Dự án loa

Thiết kế phân tần cho cặp loa Kinoshita Monitor Rey Audio RM-6V sử dụng các cặp loa bass 40 TAD 1601B, củ kèn TAD TL-4001 và JBL 075

Thiết kế phân tần cho cặp loa Kinoshita Monitor Rey Audio RM-6V sử dụng các cặp loa bass 40 TAD 1601B, củ kèn TAD TL-4001 và JBL 075

Anh Quang mất rất nhiều công sức mới kiếm được 2 cặp loa bass 40cm trứ danh TAD TL-1601b còn rất mới, một cặp củ kèn TL-4001 cũng còn rát mới và cặp JBL 075, với mong muốn dựng lên bộ loa Kinoshita Monitor Rey Audio RMV6 nổi tiếng. 

Anh em đều biết TAD là viết tắt của Technical Audio Devices, tên đầy đủ của thương hiệu này phải là TAD Labs, là một thương hiệu chỉ sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao nhất, không quan tâm về giá thành và chuyên cung cấp sản phẩm cho các phòng thu chất lượng cao nhất trên thế giới, trong khi Fukuin Shokai Denki Seisakusho, tên thương hiệu trước đây của Pioneer, thương hiệu công ty mẹ, lại thiên về các sản phẩm audio thương mại và car audio. Đó là lý do mà các sản phẩm từ TAD Labs được anh em săn lùng rất gắt và giá thành tương đối cao. 

Trong hình là bộ RM7V trong một phòng thu cao cấp tại Tokyo, Nhật Bản, thiết kế bởi chính ông Shozo Kinoshita.

Với cấu hình gồm 2 con bass TAD TL-1601B ghép song song đánh trong một thùng có thể tích lớn, ở giữa là con trung kèn TAD TL-4001 và siêu treble JBL 075 được đặt trên họng kèn của TL-4001 một cách hợp lý theo cấu hình của Kendrick Sound. Nguyên bản trong phòng lab thì không có con 075 này, anh em Kendrick Sound chơi thêm. 

Anh kiếm được 2 cặp loa TAD TL-1601B đều còn rất mới. 

Như thường lệ, tôi sẽ phải đo đạc đáp tuyến tần số và đáp tuyến trở kháng của từng loa (bằng các thiết bị của Dayton Audio: DATS V3Omnimic V2) trong hệ thống để có thể xem xét các phương án khác nhau trước khi quyết định chơi kiểu gì.

Đầu tiên là con siêu treble nổi tiếng JBL 075

Đáp tuyến tần số, để xem dải tần siêu treble của con này thế nào.

Con 075 này có dải tần rộng và khá đẹp, từ hơn 2kZ cho tới 20khz, dải tần từ 13khZ trở lên hơi dốc xuống, như vậy tôi sẽ phải xác định cắt bậc cao để cho nó ngóc dải tần siêu treble lên. Cụ thể là bậc 4. 

Đáp tuyến trở kháng

Đáp tuyến trở kháng cho thấy trở kháng thuần của loa khoảng 8 ohm và đáp tuyến trở kháng tương đối gồ ghề kể từ tần số cộng hưởng.

Con trung kèn TAD TL-4001 thì đã quá nổi tiếng, TL-4001 và TL-2001 là 2 trong số những sản phẩm hiếm hoi của TAD có màng loa Beryllium được coi là di sản của TAD để lại cho thế giới audiophile. Tôi đã làm một số dự án rồi nên cũng không nói lại. Chỉ nói thêm là 2 con kèn này của anh khách cũng rất mới, mới từ cái gioăng bắt họng kèn. Con này thì hay nổi tiếng rồi, tiếng trung kèn rất trung thực và chi tiết. 

Đáp tuyến tần số của con TAD TL-4001

Có thể thấy con này chơi đủ dải mid và high luôn, thậm chí không cần thêm loa treble, đó là lý do nhiều cặp TAD chỉ cần chơi 2 đường tiếng là đủ. Đáp tuyến rất rộng và bằng phẳng, từ tần số cộng hưởng lên tới 20khz. Con này đáp tuyến đẹp nhất trong số các con 4001 mà shop từng làm. 

Đáp tuyến trở kháng của TL-4001

Đáp tuyến trở kháng cũng cho thấy điện trở thuần của loa vào khoảng 8 ohm mặc dù trở kháng danh định của loa là 16 ohm, trở kháng thuần cũng là giá trị trở kháng mà chúng ta dùng để tính phân tần thay vì 16 ohm, anh em lưu ý. Loa có đáp tuyến trở kháng khá gồ ghề từ tần số cộng hưởng cho tới 20khz. 

Bài toán khi thiết kế phân tần cho cặp RMV6 này đó là dải trầm, nó là bài toán khó bởi vì anh em khó mà có thể kiếm được cả 4 con TD TL-1601b giống nhau, cân nhau hoàn toàn. Trong trường hợp của anh khách, mặc dù 2 cặp này rất đẹp nhưng 2 cặp này lại không cân nhau, kể cả về màu màng loa cũng khác nhau, một cặp màu xám, một cặp màu nâu xám, nhìn kỹ sẽ thấy khác nhau, và để cho cân màu thì anh khách muốn ghép mỗi loa của một cặp vào một thùng. Tuy nhiên khi đo đạc thì do 2 cặp này không cân nhau nên khi chơi 2 con TAD TL-1601b bị sai pha ở dải trầm 80Hz và tạo ra một vùng lõm rất lớn trên đáp tuyến tần số, tức là nếu nghe nhạc có các note ở dải 80Hz thì sẽ không thể hiện được note đó. 

Vì vậy mà tôi đề nghị là chơi 1 cặp nguyên bản trên một thùng, không chia cặp đó ra chơi ở 2 thùng khác nhau nữa. 

Tham khảo các bộ phân tần của Kinoshita cho các dòng TAD thì không có thông tin, phần vì bộ này quá hiếm, ít người chơi, ít người dám chơi và ít người có thể tìm thấy được 2 cặp TAD ưng ý để mà chơi nên thông tin rất hiếm. Một số phân tần dành cho dòng TAD này thì dải bass được cắt bậc rất cao, thậm chí lên tới bậc 6, tôi nghĩ đó là bởi vì nó dành cho phòng thu, nơi đó cần độ chính xác cao, vấn đề nhạc tính sẽ không phải ưu tiên hàng đầu mà là độ chính xác. Chơi phân tần bậc cao, nhiều linh kiện, ít nhiều sẽ giảm nhạc tính, và giảm độ nhạy cũng như độ động của hệ thống. 

Sau khi đo đạc và lắp ráp nhiều phương án khác nhau thì chốt lại điểm cắt cuối cùng là 600Hz và 10kHz. Phương án phân tần được chọn như sau:

Phân tần bậc 2 cho cả dải mid và bass, riêng dải cao được cắt bậc 4, 4001 và 075 dùng chiết áp 8 ohm để điều chỉnh độ nhạy cho cân với TL-1601b. Cặp loa bass được đảo pha để lấp đầy khoảng hụt dải giữa cặp loa bass và mid 4001. 

Đáp tuyến tần số mô phỏng:

Sự khác biệt giữa 2 con bass TAD TL-1601b đã được giải quyết (màu đen và màu nâu cho 2 con), màu vàng là con mid, và màu đỏ là JBL 075. Màu xanh blue là đáp tuyến tổng. 

Phân tần sau khi ráp xong:

Đáp tuyến tần số sau khi hoàn thiện:

Điều đáng tiếc là phòng nghe của khách quá nhỏ so với loa và trần cũng rất thấp, vị trí ngồi quá gần loa, khiến cho cặp loa không phát huy được hết tiềm năng của nó.

Phản hồi từ khách:

Một số clip test: Tôi phải xoay đặt loa theo chiều dọc để quay clip test. Sound stage và độ động khi đó mới đạt được cỡ 60%. Phải thêm cái ảnh che hậu trường vào thế nào mà nó cũng giảm chất lượng đi. Làm muộn quá, tranh thu quay đc nhỡn 1 clip. Anh em nghe tạm.

 

 

 

 

 

 

Đang xem: Thiết kế phân tần cho cặp loa Kinoshita Monitor Rey Audio RM-6V sử dụng các cặp loa bass 40 TAD 1601B, củ kèn TAD TL-4001 và JBL 075

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng