Dự án loa

Thiết kế loa ván hở 3 đường tiếng sử dụng loa Lii Audio W-15, Lii Audio Silver-8 và siêu tép Fostex T90A

Thiết kế loa ván hở 3 đường tiếng sử dụng loa Lii Audio W-15, Lii Audio Silver-8 và siêu tép Fostex T90A
Anh Hưng ở Hải Phòng muốn lên một cặp loa ván hở theo cấu hình đối xứng kiểu Pure Audio Projects, với cấu hình này thì shop có hai sự lựa chọn, một là sử dụng 2 cặp bass Eminence Alpha 15A huyền thoại; ngon bổ rẻ, phổ biến nhất nhì thế giới, và hai là sử dụng 2 cặp loa bass chuyên cho ván hở từ hãng mới nổi Lii Audio được anh em khoai Tây quan tâm rất nhiều thời gian gần đây. 
Alpha 15A thì rẻ, và đổi lại là Fs chỉ xuống được cỡ 40Hz trong khi W-15 thì có thẻ chơi được xuống tới 30Hz, chất âm trầm ấm, sâu hơn, mềm mại hơn nhiều và để có được điều đó thì W-15 có giá thành gần gấp 3 lần Alpha 15, anh Hưng muốn chơi cặp chất lượng hơn vì thế anh chọn W-15.

Còn con toàn dải 20cm chơi ở giữa 2 loa thì tôi có một vài sự lựa chọn cho anh Hưng như Fostex FE208EZ, FE206NV, Markaudio Alpair 12P, Visaton BG 20, B 200... nhưng trong số các dòng loa này thì Lii Audio Silver 8 lại có độ nhạy cao hơn cả (99dB) nhưng đáng kể hơn hết là Silver-8 được anh em khoai Tây ca ngợi nhiều về chất âm mộc mạc của nó khi chơi ván hở nên tôi tư vấn anh chơi dòng này.  

Và kết hợp thêm một siêu tép Fostex T90A, cũng là một dòng siêu tép hết sức phổ biến đối với anh audiophile. 

Lii Audio W-15 là dòng loa dual coil, tức là loa có 2 côn (2 voice coils), mỗi côn 8 ohm và có thể tùy chọn chơi loa ở chế độ 4 ohm (2 côn mắc song song), 8 ohm (chơi một côn) hoặc là 16 ohm (2 côn mắc nối tiếp). Nếu chơi loa ở chế độ 16 ohm thì khi ghép 2 con W-15 thì tổng trở sẽ thành 8 ohm, hoặc có thể chơi W-15 ở chế độ 4 ohm và nối tiếp 2 con W-15 với nhau để tổng trở cũng thành 8 ohm, rồi sau đó kết hợp trở kháng của 2 cặp này với loa toàn dải Silver-8 8 ohm và loa Fostex T90A 8 ohm. 

Tôi đã có giới thiệu cách chơi 2 cặp loa W-15 này cùng với ưu nhược điểm của chúng Ở ĐÂY, anh em ai chưa xem thì tham khảo. 

Hai cách này đều sử dụng cả 2 côn của loa W-15 và vì thế có cùng tính chất với nhau như: Qes giảm đi 1 nửa và độ nhạy thì tăng lên 6dB (lý thuyết), dù là kết hợp kiểu nối tiếp 2 côn hay song song 2 côn của cùng một loa.

Thực tế cho thấy khi đo đạc thì dù chúng ta chơi kiểu nào cũng được, độ nhạy của loa ở 2 trường hợp là như nhau (đấu 2 côn của W-15 nối tiếp thành 16 ohm rồi cho 2 con W-15 16 ohm mắc song song với nhau thành 8 ohm hoặc đấu 2 côn của W-15 song song thành 4 ohm rồi cho 2 con W-15 4 ohm nối tiếp với nhau thành 8 ohm). Tôi sử dụng trường hợp ghép W-15 thành 16 ohm rồi cho 2 con W-15 song song với nhau (tiện cho việc đi dây), sau đó mới chơi song song với cả toàn dải 20cm Lii Audio Silver-8 và Fostex T90A. 

Đáp tuyến trở kháng của cặp toàn dải Silver-8 Lii Audio sau khi đo bằng thiết bị DATS V3 của Dayton Audio. 

Loa có độ nhạy khá là cao, lên tới 99dB, nên xác định là sẽ phải dùng trở mắc theo kiểu Lpad để giảm độ nhạy của nó xuống cho cân bằng với Lii Audio W-15. 

Đáp tuyến trở kháng của Lii Audio Silver-8

Nhìn vào đáp tuyến của cặp toàn dải 20cm LII AUDIO Silver-8 ta sẽ quan tâm tới dải tần từ 500Hz tới 10Hz, là dải tần mà nó sẽ phụ trách, dải tần này cho thấy SPL của loa trung bình vào khoảng 99dB, khá là cao. 

Đáp tuyến trở kháng của LII AUDIO W-15 khi đấu cầu loa thành 16 ohm

 

Đáp tuyến tần số thực tế của cặp loa bass 40 Lii Audio W-15 chơi ở 16 ohm, đo ở điện áp 1.8V AC. Đáp tuyến thực tế cho thấy loa đáp ứng tốt ở tần số 30Hz và đúng với specs mà hãng sản xuất cung cấp.

Đáp tuyến trở kháng và đáp tuyến tần số của T90A tôi đã giới thiệu ở nhiều dự án trước rồi nên sẽ không giới thiệu thêm ở đây. 

Đi vào thiết kế phân tần sẽ cần phải xác định được tần số cắt của hệ thống. Điểm cắt đầu tiên giữa W-15 và Silver-8 được xác định là 500Hz sau khi xem xét đáp tuyến tần số của 2 hai driver và cân nhắc tới khuyến nghị của John L Murphy khi cắt tần cho loa bass 40 thường không nên cắt quá 700Hz, vì lớn hơn 700Hz thì búp sóng (beam) sẽ bị thu hẹp lại trước khi tới tai người nghe, điểm cắt này cũng phù hợp với điểm cắt mà anh em chơi W-15 đang cắt. 500Hz cũng là tần số mà tại đó độ nhạy của Silver-8 bắt đầu ổn định và bằng phẳng. W-15 16 ohm sẽ được cắt bằng cặp cuộn cảm C-coil 5.6mh và cặp tụ hóa xả bass Premium Elko 47uf của Jantzen Audio. Silver 8 sẽ được cắt tại 500Hz với cặp tụ Cross Cap 68uf và cặp cuộn cảm Cross coil 1.6mH. Cặp điện trở 2.7 ohm và 4.7 ohm mắc theo kiểu lpad dùng để cân bằng độ nhạy của con Silver-8. 

Điểm cắt thứ hai là giữa Silver-8 và Fostex T90A, nhìn vào đáp tuyến của Silver-8 có thể thấy nó lao dốc rất nhau từ sau tần số khoảng 12,000Hz, do đó điểm cắt thứ 2 sẽ là 12,000Hz và chỉ cắt cho Fostex T90A mà thôi và cắt bậc 2 bằng cặp tụ 0.82uf và cuộn cảm 0.1mh, còn dải cao của Silver-8 tự do.

Sơ đồ phân tần hoàn thiện như sau:

Hình ảnh phân tần thực tế

Đáp tuyến tần số đo đạc thực tế như sau:

 Đường đỏ là chưa có Fostex T90A và đường xanh là sau khi có T90A cắt bằng tụ 0.82 và cuộn cảm 0.1mH. 

Hình ảnh bộ loa ván hở này tại nhà anh Hưng

Sau khi up một số clip của bộ loa này lên Youtube thì có cả một số khách hàng ở nước ngoài đã gửi mail và comment trên Youtube hỏi xin phương án thiết kế phân tần, thậm chí là hỏi mua. Tất nhiên là shop cung cấp miễn phí cho họ.

Mời anh em nghe một số clip từ bộ dàn này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

Đang xem: Thiết kế loa ván hở 3 đường tiếng sử dụng loa Lii Audio W-15, Lii Audio Silver-8 và siêu tép Fostex T90A

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng