Đề bài: Anh khách gửi tới cho tôi 2 cặp loa, một cặp loa khá hiếm nhãn hiệu Dr. Bohm 30cm và 1 cặp kèn mid Isophon Panorama 2000 với mong muốn thiết kế một bộ phân tần 3 đường tiếng cho cặp loa này kết hợp với cặp tép kèn mà tôi đang phân phối đó là Fostex FT17H, chơi ván hở.
Bài giải: Như mọi khi tôi sẽ tiến hành đo đạc cho từng cặp loa của an
h để xem nó như thế nào, còn cặp loa Fostex FT17H thì tôi đã có đủ thông tin rồi.
1.Cặp loa bass 30cm DR. Bohm khá nặng, nam châm Ferrite.
Đặc tuyến trở kháng của loa như sau:
Đặc tuyến cho thấy trở kháng của loa (đường cong phía sau đỉnh cộng hưởng) vào khoảng 5.8 ohm với trở kháng tại tần số cộng hưởng của loa (là 80.08Hz, đối với một driver làm loa bass thì khá là nông) vào khoảng hơn 50 ohm và sau tầm 300Hz thì giống như đặc điểm của các dòng loa bass khác khi tần số tăng lên thì trở kháng cũng tăng lên theo (do cấu trúc của loa điện động gồm có cuộn âm về bản chất là một cuộn cảm có một trị số nhất định, trong trường hợp này là khoảng 0.5mH, nên khi tần số tăng lên cuộn cảm có xu hướng ngăn chặn tín hiệu tần số cao hơn trị số của nó). Nhằm làm cho đáp tuyến trở kháng của driver bằng phẳng, tức là không thay đổi theo tần số, đặc biệt là tại dải tần mà chúng ta mong muốn cho nó hoạt động thì có thể dùng các mạch cân bằng như Zobel (dùng một con tụ hóa và một con điện trở mắc nối tiếp với nhau rồi mắc song song với loa bass) để xử lý, mạch này còn gọi là mạch cân bằng trở kháng. Trong trường hợp của con bass Dr. Bohm này thì tôi không cần sử dụng mạch Zobel vì đáp tuyến trở kháng của nó khá bằng phẳng sau khi phân tần. Mạch Zobel chỉ cần áp dụng cho loa trung, tức là cho con Isophon Panorama 2000 mà thôi.
Tần số cộng hưởng trong không gian tự do Fs vào khoảng 80.24Hz là tần số mà tại đó màng loa bắt đầu dao động với tín hiệu nhỏ nhất được đưa vào. Trong trường hợp của con Dr. Bohm này, sau khi tính tỷ số EBP của loa này, tính bằng Fs/ Qes = 80/0.76 > 100 cộng với hệ số Qts khá là nhỏ (0.67) thì driver Dr. Bohm này phụ hợp hơn cả là chơi trong loa thùng bass reflex, như vậy thì tần số cộng hưởng của thùng sẽ còn xuống sâu hơn nữa chứ không phải 80Hz. Tuy nhiên anh Đoàn muốn chơi ván hở với con này nên tôi sẽ cố gắng để làm phân tần và thiết kế ván cho nó chơi tốt nhất có thể.
Thực tế khi test nhạc tính của loa sau khi thiết kế phân tần xong thì không ngoài dự đoán là hơi thiếu bass một chút so với dải trên. Tuy nhiên với diện tich phòng của anh nhỏ và gu nhạc không quá ồn ào thì theo tôi bộ loa ván hở này hoàn toàn là ổn với điều kiện là sử dụng thiết kế ván loa theo kiểu của JE Labs với độ rộng là 69cm và cao chỉ 59cm kết hợp với ván quây xung quanh và hở lưng.
Đáp tuyến tần số của loa Dr. Bohm này như sau:
Loa có đáp tuyến khá hẹp, tầm 2,000Hz hơn chút và độ nhạy trung bình khá thấp, khoảng 85dB, đáp tuyến tương đối bằng phẳng. Như vậy tần số cắt cho driver này chỉ đâu đó khoảng 1,500Hz là tối đa để ghép với con Isophon kia. Để biết được con trung kèn Isophon Panorama 2000 kia có ghép được không thì cần phải đo đạc.
2. Loa trung kèn Isophon Panorama 2000
Đáp tuyến trở kháng của loa như sau:
Loa có đáp tần rất đẹp và đặc trung của một loa chơi trung, trung cao, tuy nhiên độ nhạy lại khá thấp so với cấu trúc kèn của loa, cỡ 80dB hơn chút, nhưng như này lại rất hợp khi ghép với con bass Dr. Bohm. Với đáp tuyến bằng phẳng và dải tần tự nhiên rất hợp với Dr. Bohm, tôi đã để loa này đánh tự nhiên, toàn dải, không cắt gì mà chỉ dùng mạch Zobel để cân bằng đáp tuyến trở kháng của loa thôi. Sử dụng một con tụ hóa 27uF và 1 con trở 12 ohm nói tiếp nhau và mắc cả cụm này song song với Isophon Panorama 2000.
Đáp tuyến trở kháng sau khi có mạch Zobel như sau:
Chúng ta thấy là nó khá bằng phẳng kể từ sau tần số hơn 1kHz nhờ mạch Zobel.
Cùng qua đáp tần của Isophon thì cũng thấy rõ rằng là nó thiếu tép trong khoảng từ 10kHz trở đi. Đó là lý do tôi phải thêm một con siêu tép của Fostex, FT17H để đảm nhiệm dải tần thiếu hụt đó.
Lưu ý:
1. Cả loa trung Isophon Panorama 2000 và Fostex FT17H đều được đấu đảo pha để cho đồng pha với driver bass còn lại.
2. Con Isophon Panorama 2000 đánh toàn dải.
3. Ván sẽ cần tương đối lớn, rộng chừng 69cm trở lên. Theo đúng thiết kế của ván JE Labs thì sẽ cần rộng tới 90cm.
5. Nếu anh Đoàn muốn thêm một ít bass nữa nhưng đổi lại phần trung sẽ bị hụt đi một chút thì có thể dùng cuộn cảm nhỏ hơn cho loa bass, ví dụ 1mH.
Sơ đồ phân tần:
Đáp tần như sau:
Đáp tuyến cho thấy rõ ràng sự thiếu hụt giải cao, từ 10kHz và đã được bổ sung bởi Fostex, việc sử dụng các cuộn cảm trị số thấp tránh cho việc phải sử dụng điện trở để giảm độ nhạy của Fostex FT17H làm giảm hiệu suất của hệ thống. Đường đỏ là con Isophon Panorama 2000 và đường vàng là con Fostex FT17H.
Tổng chi phí cả loa siêu tép Fostex FT17H, ván loa và phân tần vào khoảng 7,000,000 đồng với linh kiện nhập khẩu từ Đan Mạch và Canada.
Audible Hertz Shop