Tin tức

CHỌN DRIVER/ CỦ LOA CHƠI LOA VÁN HỞ

CHỌN DRIVER/ CỦ LOA CHƠI LOA VÁN HỞ

CHỌN CỦ LOA CHƠI VÁN HỞ

Nhân có người chơi bảo là gắn cái củ loa vào cái ván là thành loa ván hở chơi thôi, có gì đâu. Tôi lại phải phân bua một tí. Có phải driver nào cũng làm được loa ván hở không? Đúng mà không đúng. 

Thực ra mà nói loa ván hở hay loa giời gì thì nó cũng đều tuân theo nguyên lý cơ bản của loa điện động, đó là làm sao cách ly hai cái thằng tín hiệu ở mặt trước màng loa và mặt sau màng loa sao cho chúng nó không cannibalize tức là không ăn thịt lẫn nhau, vì hậu quả của việc để cho chúng nó ăn thịt lẫn nhau là chúng ta chỉ còn nghe thấy âm thanh tần số trung cao mà thôi, KHÔNG CÓ BASS. Anh em cứ thử nhấc driver ra khỏi thùng loa mà nghe xem, sẽ chỉ còn âm thanh trung cao phát ra mà thôi vì những âm thanh tần số thấp (bước sóng dài, nó bay lung tung ra trước ra sau) nó triệt tiêu lẫn nhau mất rồi. Còn âm ở tần số cao nó có bước sóng ngắn nên nó cứ đi thẳng và đi đủ, chả bị ăn thịt tí nào. 

Nếu tín hiệu ở mặt trước gặp gỡ với tín hiệu ở mặt sau nó sẽ ăn thịt lẫn nhau và sẽ không còn BASS nữa, đó là lý do cần phải tính độ dài đường đi của ván làm sao cho nó đủ dài để 2 cái tín hiệu đó nó không gặp nhau tại tần số thấp mà mình mong muốn. Và đó cũng là lý do tại sao lại có loa thùng.

Hình minh họa cho thấy ở tần số cao thì loa bass có búp sóng càng ngày càng nhỏ và ở tần số cao là gần như không hoạt động, còn ở tần số thấp thì nó loe đồng hướng ra xung quanh và có thể quay ngược trở lại mặt sau của driver. Tất cả đều dựa vào công thức dưới đây:

Công thức quan hệ lăng nhăng giữa tần số, bước sóng và vận tốc âm thanh. Tần số càng cao thì bước sóng (lam-da, tính bằng mét) càng nhỏ và ngược lại. Trong đó f là tần số tính bằng Hz,  và v là tốc độ âm thanh tính bằng m/s là hằng số và bằng 434m/s. Đối với loa ván hở, chúng ta quan tâm nhất là tần số thấp và đó cũng là cái khó nhất vì thực tế để có thể nghe được tần số thấp phát ra từ một driver thì cần phải khóa cái mặt sau của loa lại (vì tín hiệu phát ra từ 2 mặt trước và sau của màng loa luôn ngược pha nhau), tức là chúng ta đóng thùng vào cho nó, nhốt thằng tần số thấp lại không cho nó thoát ra và triệt tiêu với thằng tần số thấp phát ra từ mặt trước của driver. Thằng tần số thấp phát ra từ mặt trước của driver có quay lại tìm thằng tần số thấp của mặt sau nhưng không thấy vì nó bị nhốt mất rồi. Nhưng ván hở thì chúng ta không có thùng để nhốt chúng lại như các thùng loa kín hay thùng loa bass reflex như dưới đây.

Các tính hiệu ở mặt sau bị nhốt trong thùng loa đối với các loại loa thùng thông thường.

Bài toán là ta vừa phải tìm ra một kích thước tấm ván tối ưu vừa phải tìm ra một driver loa bass có khả năng vẫn tạo ra bass mà không cần thùng. Đối với kích thước của ván thì tôi sẽ biên một bài khác giúp an hem có thể tính được tấm ván một cách dê dàng. Còn ở bài này chúng ta hãy đi tìm driver trước đã.

Vậy driver loa bass kiểu như nào thì sẽ cho bass tốt đối với loa ván hở?

Trước đây hồi mới chơi, tôi không biết nhiều về kỹ thuạt, chỉ thấy Tây nó hay chơi con toàn dải đồ cổ Supravox 215 Signature Bicone 8.5” huyền thoại làm loa ván hở nên tôi tò mò (con này đang bán tầm 20t/ cặp chưa ship ở bên Tây) và tìm hiểu các thông số của nó, từ đó tôi dựa vào thông số đó để tìm các driver có thông số tương tự để chơi. Sau này khi đã nghiên cứu cụ thể hơn thì tôi đã có thể giải thích được các lý do chọn các thông số đó.

Thông số của con Supravox 215 Signature Bicone:


Trong này quan trọng nhất là thông số quyết định driver đó có thích hợp để chơi ván hở được không, tôi có bôi vàng thông số đó.

Qts. Rất ít người hiểu rõ về Qts. Qts của loa ván hở cần phải cao (đối với loa bass thôi, còn loa trung thì không cần).

Thế nào là cao? Cao ở đây là từ 0.6 trở lên là cao rồi.

Qts là gì? Qts thể hiện hệ số phẩm chất của loa, nó không có thứ nguyên/ đơn vị, các loa thông thường có Qts từ 0.2 tới 0.6, Qts càng nhỏ thì người ta nói driver đó có hệ thống cơ điện động tốt tức là nó có hệ số quán tính trong dao động nhỏ, tức là nó dao động CHÍNH XÁC với từng tín hiệu nhỏ nhất đưa vào nó và không có quán tính, tức là màng loa rung ở vành đúng 0.3mm là 0.3mm không hơn không kém để tạo ra đúng cái âm thanh gốc ở tần số đó rồi nó tiếp tục rung ở chỗ khác.

Qts nhỏ là tốt đối với loa thùng, nếu Qts mà cao thì đặc tuyến sẽ có gợn mà Tây nó gọi là ripple gây ra bởi sự quán tính lớn (sai số) về cơ điện động của cấu trúc driver nhưng bù lại khi Qts lớn búp sóng của driver hướng về phía trước sẽ có hướng tính cao.

Ví dụ nếu coi driver của loa bass và driver của loa trung là 2 ống phun nước, một cái có đường kính 20cm và 1 cái có đường kính 38cm, coi như gấp đôi ống kia, thì cùng một lực đẩy cho cả 2 ống (ví dụ lực đẩy là Qts = 0.5) thì rõ rang ống 20cm sẽ phun xa hơn ống 40cm. Còn nếu muốn cả 2 ống đều phun xa như nhau tới tai của người nghe thì lực đẩy của ống 40 cm phải tăng lên tức là Qts của ống 40cm phải cao, thậm chí gấp 3 Qts của ống loa trung. Nhiều anh bảo là loa trung của loa ván hở cũng cần phải có Qts cao là không cần thiết, Qts của loa trung mà cao thì chỉ có tác dụng là làm ván nhỏ cũng được chứ không cần làm ván to, thậm chí bằng với kích thước của loa cũng chơi được. Tóm lại, loa bass của hệ loa ván hở cần phải có Qts cao, cao để búp sóng hướng mạnh hơn về phía người nghe, nếu Qts thấp thì tần số thấp nó ko tới được người nghe mà phải dí tai vào gần loa mới thấy tần số thấp vì búp sóng nó….lùn.

Vậy làm sao để biết được là loa bass đó có Qts cao? Có 2 cách, một là đo đạc, 2 là phân biệt bằng mắt thường. Đo đạc thì sau này tôi sẽ làm một clip trên tay một thiết bị rất phổ biến dùng để đo đạc các thông số của loa trong đó có Qts. Còn để phân biệt bằng mắt thường thì loa có Qts cao, tức là chơi ván hở tốt là loa có màng loa mỏng, nhẹ, nam châm nhỏ, loa Eminence Alpha 15A hay Magnavox có chung các đặc điểm này. 

Tóm lại lần nữa:

Yêu cầu đối với driver chơi ván hở:

Nếu làm loa bass (hệ 3 đường tiếng): Qts cao (lớn hơn hoặc bằng 1).

Nếu làm loa trung (hệ 3 đường tiếng), Qts không cần cao (chỉ cần 0.3 cũng được).

Nếu chơi một đường tiếng (chơi 1 con, loa toàn dải): cần hiệu suất cao và Qts tầm 0.8 trở lên. 

1.Với loa bass chơi ván hở thì hàng mới hiện nay ngon bổ rẻ nhất là Eminence Alpha 15A (độ nhạy 97dB, Qts > 1), 15inch (38cm). Con này thực ra là dòng Pro audio (loa sân khấu) nhưng Tây nó thấy cấu hình phù hợp nên mần làm loa bass cho loa ván hở và nó chơi rất nhiều.

Còn một con loa bass nữa chơi ván hở, hàng mới, đang bán trên thị trường là con Goldwood GW-1858 của Mỹ, con này độ nhạy 94.5dB, Qts =1.1, 18inch (45cm), cũng được chơi ván hở rất nhiều, giá thì khoảng gấp đôi con Eminence Alpha 15A. Bên dưới là hình của em nó được một ông chơi ván hở tin dùng.

Còn loa bass ván hở dòng loa cổ thì có khá nhiều, vì toàn loa chơi trong thùng kín hoặc hở lưng (open back), mà driver chơi trong thùng kín hoặc hở lưng thì thường phù hợp chơi loa ván hở, mỗi tội tiền nhiều mà lại chả biết thế nào.

2.Loa trung chơi ván hở:

-Hầu hết các dòng toàn dải Fostex đều có thể dùng làm loa trung chơi ván hở được vì có độ nhạy khá cao và Qts không quá thấp. Phổ biến nhất là dòng Sigma với FE208EZ, FE168EZ, FE108EZ...

-Markaudio có các dòng CHR70, Alpair 10, Alpair 12P.

-Visaton có dòng B 200 gọi là thuốc độc cho loa ván hở, nó rất hay và anh em còn chơi nó mà không cần thêm loa bass. 

Đó là nội dung của bài này – Driver cho loa ván hở. Bài sau tôi sẽ cung cấp công cụ và giải thích thêm về cách tính kích thước của ván như thế nào cho hợp lý mời các bạn đón đọc. Sau đó chúng tôi sẽ thực tế làm những đôi loa ván hở để an hem trải nghiệm và có thể tự làm cho mình những đôi loa ván hở hết sức đơn giản và tinh tế.

Audible Hertz Shop

Đang xem: CHỌN DRIVER/ CỦ LOA CHƠI LOA VÁN HỞ

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng